Tin mới

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Càng khó khăn càng phải nỗ lực, phấn đấu để đạt cao nhất các mục tiêu đề ra
Chiều 31/10, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11 đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại của năm.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có các đồng chí: Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố.

ub 2.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định, tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng nhưng tốc độ phục hồi còn chậm.

Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt, các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản hoàn thành theo tiến độ. Sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực, tăng 5,7% so với tháng trước, đạt 69% kế hoạch năm. Hoạt động kinh doanh thương mại – dịch vụ sôi động, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng cao, tăng 22,7% so cùng kỳ, đạt 93,7% kế hoạch.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được triển khai quyết liệt. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.

Chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; công tác giáo dục đạt được nhiều kết quả cao; công tác y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, không để các dịch bệnh lớn phát sinh trên địa bàn; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Cải cách hành chính đạt kết quả tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.

z4835035505220_1234ed7734cf78abddbf0f7efcfae1ee.jpg

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tháng 10 còn gặp không ít khó khăn. Đó là, còn nhiều đơn vị khai thác khoáng sản đang hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động do vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thuê đất, không đủ diện tích đổ thải, hạn chế về công nghệ sản xuất… làm ảnh hưởng nhiều đến giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, cũng như giá trị nộp ngân sách địa phương. Đặc biệt, Nhà máy Gang thép Lào Cai (Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung) và Nhà máy Tuyển quặng đồng Tả Phời (Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời) vẫn dừng sản xuất.

Tổng giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu đạt rất thấp so với kế hoạch đặt ra. Lưu lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu hiện nay có sự chênh lệch rất lớn giữa lượng hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu (từ 4 - 5 lần).

Giá thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản liên tục tăng, nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi cao, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn phát triển sản xuất của người chăn nuôi.

Diễn biến thời tiết khắc nghiệt, mưa lớn, dông lốc, sạt lở, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân.

ub 3.jpg
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Làm rõ những kết quả đạt được cũng như khó khăn, các đại biểu dự phiên họp đã phát biểu, phân tích cũng như kiến nghị với UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Văn Duy cho rằng, dự kiến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong quý IV/2023 sẽ đạt khoảng 6%, cả năm đạt 3,8%. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, đề nghị các địa phương cần sớm phê duyệt và tăng tốc triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, bởi tiến độ còn chậm.

 

Nói về mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 46.000 tỷ đồng, Giám đốc Sở Công thương Hoàng Chí Hiền cho biết, sở đang tập trung rà soát các dự án thủy điện, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề liên quan đến Nhà máy Tuyển đồng Tả Phời để nhà máy sớm hoạt động trở lại.

Để đạt số thu ngân sách cao nhất cũng như tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai Hoàng Đăng Khoa đề nghị Sở Tài chính, Quỹ Phát triển đất xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án ứng vốn và giải ngân đối với dự án hạ tầng sau kè bờ hữu suối Ngòi Đum, đoạn từ đường Trần Phú đến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai IC19, vừa tạo quỹ đất để đấu giá, tạo nguồn thu ngân sách vừa giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với lĩnh vực du lịch, để đạt được con số dự kiến là 8,5 triệu lượt du khách trong năm 2024, Giám đốc Sở Du lịch Hà Văn Thắng đề nghị tỉnh sớm triển khai đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ cho du lịch; chỉ đạo các địa phương cần bảo tồn, tránh lạm dụng việc bê tông hóa, thổ cẩm hóa các khu, điểm du lịch làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và nhu cầu trải nghiệm của du khách.

Đối với lĩnh vực y tế, Giám đốc Sở Y tế Hoàng Quốc Hương đề nghị tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án xây dựng cơ sở y tế (bệnh viện) để triển khai lắp đặt thiết bị y tế, phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

z4835601649326_25f921452c26b12dc7daab2061351129.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung đề nghị các sở, ngành cần quan tâm, tập trung giải quyết những khó khăn trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.
 
z4835507943585_c390bb3957a259dbcf85da39fcaa076c.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh đề nghị các ngành, địa phương tập trung giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường khẳng định: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các ngành, địa phương, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 10 đã có sự khởi sắc so với các tháng trước. "Đây là tín hiệu tích cực để chúng vượt qua khó khăn, hướng đến những mục tiêu đặt ra đến năm 2025", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

z4835484917132_13ad6d70715e57b45db685f64a7838da.jpg

Đề cập đến những khó khăn, hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất, làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế.

Hiện tượng né tránh, sợ sai, trách nhiệm vẫn còn, nếu cán bộ, công chức, viên chức không chịu được áp lực công việc thì cần phải xem xét, thay thế.

"Càng khó khăn càng phải nỗ lực, phấn đấu để đạt cao nhất các mục tiêu đề ra. Do vậy, mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương cần tập trung cao độ, có các giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả, linh hoạt", Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

Đối với những kiến nghị của các ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm rõ, đề nghị các ngành, địa phương phải làm tốt, làm hết trách nhiệm theo thẩm quyền.

Các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 để Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy.

Trước mắt, cần làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23; tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, công nghiệp, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, trong đó sớm đưa Nhà máy tuyển quặng đồng vào hoạt động sản xuất trở lại. Trong tháng 11, các địa phương đề xuất nhu cầu đầu tư công, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, chuẩn bị công tác chuẩn bị đầu tư.

Tổ chức các hoạt động để thu hút khách du lịch đến Lào Cai, đặc biệt là Lễ hội sông Hồng năm 2024.

Theo LCĐT